Việt Nam có nền văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng, nó thể hiện sự hòa đồng, gần gũi, cũng như thể hiện thói quen ăn uống của người Việt Nam. Mỗi vùng miền lại có một thói quen ăn uống riêng tạo nên nét đặc trưng độc đáo của ẩm thực Việt Nam và ngày càng được đánh giá cao.
Dù bạn đi đâu trên mảnh đất hình chữ S tươi đẹp của chúng ta hay ra thế giới, đừng quên thưởng thức và giới thiệu Top 10 món ăn đặc trưng tin hoa ẩm thực Việt Nam với những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc dưới đây.
Xem thêm: Top 10 món ăn vặt Sài Gòn không thể bỏ qua
Phở
Nội dung
Khi nhắc đến ẩm thực Việt Nam, món ăn đầu tiên mà bất kì ai cũng đều sẽ nghĩ tới chính là Phở.
Phở là món ăn truyền thống của Việt Nam, cũng có thể xem là một món ăn tiêu biểu cho nền ẩm thực. Thành phần chính của Phở là bánh phở và nước dùng cùng với thịt bò, thịt gà, kèm các gia vị như : tiêu, chanh, sả, ớt… Món ăn này thường dùng làm món ăn điểm tâm cho bữa sáng nhưng ở một số thành phố lớn thì được thưởng thức trong cả ngày.
Phở thường được dùng nóng hổi và để có được một bát phở ngon thì còn phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm truyền thống của người chế biến, đặc biệt là nước dùng. Ở Việt Nam, Hà Nội và Nam Định là hai địa điểm được mọi người đánh giá cao hương vị của món ăn này.
Bún chả
Bún chả là món ăn nổi tiếng của người Hà Nội. Khi đến Hà Nội các các bạn sẽ thấy rất nhiều quán bán bún chả khắp các tuyến đường. vào một ngày mùa đông lạnh lẽo, gọi một đĩa bún trắng kèm bát nước chấm nóng hổi với đầy đủ thịt viên nướng, dưa món, tỏi, ớt,…ở bất cứ cửa hàng, quán cóc nào cũng là một trải nghiệm ẩm thực vô cùng đáng giá.
Trước đây, có rất nhiều địa điểm chuyên bún chả như phố Ngọc Khánh, phố cổ,…nhưng nổi tiếng toàn thế giới, chỉ có thể là Bún chả Obama, tọa lạc tại 24 Lê Văn Hưu, Phan Chu Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Thắng Cố
Thắng cố của người H’Mông, có nguồn gốc từ vùng núi Hà Giang, phía Đông Bắc và dần được ưa chuộng bởi toàn bộ những người dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc.
Thắng cố được chế biến đơn giản với nguyên liệu chính là thịt và một vài nội tạng của ngựa sau khi được làm sạch và chế biến với 12 thứ gia vị truyền thống: thảo quả, hoa hồi, quế chi… Nước chấm cho món này sẽ có độ cay nhất định tùy thuộc vào người chế biến, khiến bạn vừa ăn vừa suýt xoa. Sau này thắng cố được sáng tạo thêm những công thức mới mang đặc trưng của từng dân tộc. Tuy nhiên, ngon nhất vẫn là thắng cố ngựa ở Bắc Hà, Mương Khương, SaPa- Lào Cai.
Cơm Hến
Cơm Hến là một đặc sản ẩm thực Huế. Đây món ăn dân dã có khắp mọi nơi dù ở thôn xóm, đường quê hay các nhà hàng nhưng dù ở đâu món ăn này vẫn giữ được hương vị độc đáo. Cơm hến được làm từ cơm trắng nấu chín và để nguội. Người ta cho phần thịt hến cùng các phụ gia, thêm tóp mỡ được chiên giòn. Cơm hến có thêm chút mắm ruốc Huế vừa bùi, chát, cay và hăng. Cơm hến được ví như những bà mẹ của Việt Nam: mộc mạc, chất phác và đơn sơ.
Cơm hến ngon và cũng nổi tiếng nhất chính là cơm ở cồn Hến. Người dân địa phương cho rằng, những con hến bắt ở cồn Hến béo hơn, tươi hơn và có vị đậm đà hơn.
Cao lầu
Đây là món ăn độc đáo gắn liền với phố cổ Hội An. Dù có vài nét tương đồng với mì quảng khiến mọi người thường nhầm lẫn, tuy nhiên cao lầu là món ăn được chế biến công phu hơn rất nhiều. Để sợi mì được vàng và ngon, gạo thơm được đem ngâm vào nước tro nấu từ Cù lao Chàm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh.
Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy cho dù sợi mì cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.
Bước chân ra khỏi đất cổ Hội An, cao lầu đã thay đổi đi ít nhiều không chỉ về hương vị mà cái không khí cổ kính cũng dân phai nhạt đi mất. Chỉ có ở Hội An thì cao lầu vẫn giữ được nét đặc biệt vốn có của nó.
Bánh xèo
Tuỳ theo từng địa phương tại Việt Nam mà bánh được thưởng thức với nét đặc trưng riêng. Thường có 2 loại: đổ bánh xèo giòn và bánh xèo dai.
Tại Huế,bánh xèo thường được gọi là bánh khoái và ăn kèm với thịt nướng, nước chấm gồm tương, gan, lạc. Tại miền Nam, bánh có cho thêm trứng và chấm nước mắm chua ngọt. Tại miền Bắc Việt Nam, nhân bánh xèo ngoài còn thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi.
Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, rau húng, cải xanh, rau diếp cá, tía tô, lá quế,…
Bánh xèo Phan Thiết khác ở những nơi khác là bánh nhỏ chỉ bằng cái lòng chén và không cuốn với rau xà lách mà thả vào tô nước mắm đã được giã với tỏi và ớt. Trên đường Tuyên Quang có nhiều quán bánh xèo rất ngon nên còn có tên là “phố bánh xèo”.
Bánh xèo tôm nhảy là một đặc sản nổi tiếng của người Bình Định. Bánh có vị ngon và nét độc đáo riêng. Tôm làm bánh xèo phải chọn kỹ, là thứ tôm đánh bắt đêm hôm từ đầm, phải còn tươi. Bột đúc bánh được hoàn toàn xay bằng tay. Nước mắm ăn kèm cũng là một phần không thể thiếu làm món ăn ngon hơn.
Cơm tấm
Nếu như Hà Nội có phở, thì ở Sài Gòn người ta hay nhắc tới cơm tấm. Cơm tấm là món đặc sản của miền Nam Việt Nam, nó là một trong những món ăn sáng được ưa chuộng nhất của người miền Nam, nhất là Sài Gòn.
Đĩa cơm tấm được kèm với sườn nướng, bì, chả và trứng thường được dùng làm đồ ăn sáng. Nhưng ngày nay cơm tấm đã có mặt ở một số quán ăn trưa, chiều hoặc tối với nhiều loại thức ăn kèm. Cơm tấm được xem là một món hè phố giá bình dân hấp dẫn và được nhiều người ưa chuộng.
Lẩu mắm
Đúng như tên của nó, lẩu mắm được chế biến từ mắm, đặc sản nổi tiếng của miền tây. Một nồi lẩu mắm đúng điệu sẽ có mực, tôm, cá biển, các loại rau dân dã, mắm cá sặc và mắm cá linh. Mắm được ủ trong những chiếc lu sành trong thời gian dài để dậy vị và ngấm mùi. Lúc nấu lẩu thì pha loãng mắm cho vào hầm cùng nước súp được ninh từ xương lợn. Vị nước dùng ngọt ngào, thanh mát cùng mùi mắm đặc trưng.
Một nồi lẩu đúng điệu miền Tây còn có bông điên điển, cà tím, khổ qua, nấm… để màu sắc thêm hấp dẫn và ăn không ngấy.
Món lẩu mắm là món ăn dân dã nên chẳng kiêng loại thực phẩm nào. Thịt, cá, tôm, tép, mực đều có thể bỏ chung vào một nồi. Rau củ thì có thể là bông súng, bông bí, rau đắng, bắp chuối,… mùa nào thức đó. Đơn giản mà hào phóng hệt như tính cách người miền Tây vậy.
Gỏi cuốn
Các món ăn lấy bánh tráng để cuốn như gỏi cuốn, phở cuốn, nem cuốn,… là một dạng chế biến phổ biến khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Hầu như không có một công thức cố định nào bởi tùy địa phương, vùng miền, nguyên liệu dùng để cuốn có nhiều khác biệt. Nhưng nói chung, nhân gỏi cuốn thường có tôm, thịt, rau và bún.
Gỏi cuốn thường được ăn kèm với nước chấm đậu phộng. Nó có thể là một món ăn nhẹ hoặc khai vị tuyệt vời bất cứ lúc nào trong ngày của bạn.
Bánh mì
Có vẻ như trong những năm gần đây, bánh mì đang thay thế dần Phở để chiếm vị trí “Món ăn Việt Nam được người nước ngoài yêu thích nhất”. Từ những trang tin tức lớn như CNN, BBC cho đến bộ trang phục mô phỏng món ăn này mà cô hoa hậu Việt Nam mang đi trình diễn ở xứ người trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ,…tất cả đã nói lên bánh mì đã trở thành hiện tượng toàn cầu như thế nào.
Nhưng vốn dĩ, chẳng phải một điều gì đó quá lớn lao khi nó chri đơn giản là món ăn dân dã gắn liền với đời sống ẩm thực của người Việt. Có đôi khi là bữa sáng ăn vội mua trước cổng trường, lại cũng có lúc là niềm tự hào khi chúng ta mang ra thế giới.
Bánh mì Việt Nam bán ở mọi nơi, từ hang cùng ngõ hẻm cho đến những nhà hàng cao cấp nhất. Nhưng dù ở đâu, món ăn tưởng như xoàng xĩnh này vẫn trở thành ” cực phẩm”.
Ẩm thực Việt Nam mộc mạc, giản dị, đậm đà những nét văn hóa dân tộc. Nó như thể hiện tính cách của con người Việt. Đừng quên thưởng thức những món ăn độc đáo ở mỗi nơi mà bạn đặt chân đến, chắc chắn bạn sẽ có một trải nghiệm khó quên.
Xem thêm: